Năm điểm đặc biệt của môi trường giáo dục hiện đại
Giáo dục hiện đại là tập hợp của những phương pháp giáo dục tiến bộ, được cập nhật với mục tiêu đem đến sự phát triển toàn diện của các em học sinh. Ngược lại với “giáo dục cổ” (như cách gọi của nhà giáo dục John Dewey đối với nền giáo dục Mỹ trước thế kỷ 19), giáo dục hiện đại không đào tạo học sinh chỉ để trở thành những nhân lực cho thị trường lao động, mà hướng tới việc phát triển những con người lớn lên bằng chính những trải nghiệm, biết suy nghĩ, có những phẩm chất, năng lực làm gốc.
Chính từ gốc rễ “con người” đó, các em sẽ bổ sung những kỹ năng cần thiết trong quá trình lớn lên, và trở thành những người không chỉ có năng lực, mà còn có trách nhiệm với xã hội, biết đồng cảm, quan tâm tới người khác và có những ước mơ được nuôi dưỡng.
Sau đây là năm điểm đặc biệt của phương pháp giáo dục hiện đại, hiện đang được áp dụng tại hệ thống trường EMASI:
1. Lấy học sinh làm trung tâm
Phương pháp lấy học sinh làm trung tâm là một cách tiếp cận khác biệt so với phương pháp “lấy giáo viên là trung tâm”. Với phương pháp tiếp cận này, học sinh EMASI trở thành chủ thể chính của hoạt động học tập. Lớp học không còn là môi trường thầy giảng gì, trò nghe nấy mà sẽ là nơi học sinh là người chủ động học, tương tác, trao đổi và phản biện, còn giáo viên sẽ là người quan sát, hướng dẫn và định hướng.
Phương pháp lấy học sinh làm trung tâm khơi gợi sự chủ động, tự tin và tinh thần trách nhiệm của học sinh. Phương pháp cũng là một yếu tố xây dựng năng lực tự học suốt đời, xây dựng cho các em một kỹ năng thiết yếu của con người thế kỷ 21.
2. Lựa chọn sĩ số lớp có chủ đích
Tại EMASI, sĩ số một lớp tối đa là 24 học sinh. Khác với các số khác như 20, 22, số 24 là bội số 2, 3, 4, 6, 8. Điều này có nghĩa là khi tiến hành các hoạt động nhóm, giáo viên có nhiều lựa chọn trong việc chia đều học sinh vào những nhóm khác nhau, với số lượng thành viên một nhóm tùy thuộc vào yêu cầu bài học.
Các hoạt động nhóm của học sinh sẽ được hỗ trợ bởi hệ thống bàn ghế thông minh – được thiết kế theo hướng “collaborative” có khả năng tách, ghép, thay đổi chiều cao. Cũng vì thế mà khi triển khai các hoạt động tập thể, không gian linh động của lớp học EMASI sẽ tạo thành môi trường học tập sôi nổi, giàu tính tương tác. Học sinh cũng từ đó học tập trong môi trường hiện đại, với những “chất liệu” giáo dục đáp ứng chương trình học không chỉ trong hiện tại mà còn cả tương lai.
3. Truyền tải phương pháp sư phạm đa chiều
Phương pháp sư phạm tại EMASI được nhấn mạnh là phương pháp sư phạm đa chiều: tức khuyến khích sự tương tác, thảo luận, tranh luận giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với giáo viên, với kiến thức và thông tin từ nhiều nguồn khác nhau chứ không sử dụng sách giáo khoa như một nguồn duy nhất.
Để làm được điều đó, bên cạnh sách giáo khoa, nhà trường đã sử dụng chương trình của rất nhiều nhà xuất bản khác trên thế giới như Cambridge, National Geographic Learning, Encyclopaedia Britannica, Readtheory, TedTalk, Vocab.com,… Phương pháp truyền tải đa chiều cũng được thể hiện ở sự tương tác, thảo luận, và làm việc nhóm, bàn ghế trong lớp học được thiết kế theo mô hình “collaborative” có thể tổ hợp thành nhiều kiểu nhóm khác nhau, tạo nên một không gian học tập năng động và thú vị.
4. Xây dựng năng lực tự học
Năng lực tự học liên quan đến việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu học tập và phương pháp học tập. Tại EMASI, học sinh phát triển năng lực tự học thông qua việc học tập trong môi trường khuyến khích sự chủ động, được hướng dẫn tìm tòi và xử lý thông tin. Học sinh EMASI chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức, tương tác với bạn bè, trao đổi với giáo viên. Kết quả của quá trình này là sản phẩm của các dự án học tập, các bài thuyết trình và các bài luận. Khả năng tự học đặc biệt cần thiết khi học sinh bước vào môi trường đại học, đặc biệt là tại các trường đại học trên thế giới.
5. Di chuyển giữa các lớp học
Khi tiếng chuông vang lên cũng là lúc học sinh EMASI kết thúc giờ học và di chuyển tới các phòng học kế tiếp. Khác với mô hình “một lớp học – một phòng học”, trong đó học sinh học tất cả các môn tại một phòng học duy nhất, tại EMASI, học sinh học các môn học khác nhau tại các phòng học khác nhau.
Có nhiều cơ sở khác nhau cho sự thay đổi này. Các nghiên cứu từ đại học McMaster và đại học California San Diego chỉ ra rằng việc thay đổi không gian học có thể đem đến cho người học khả năng suy nghĩ sáng tạo. Trong khi đó, di chuyển giữa các phòng học sẽ giúp học sinh học tập tại các môi trường học được thiết kế riêng biệt, mang đặc điểm riêng của từng môn.
Các môn học của khối Quốc tế được tiến hành trong môi trường lớp học sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh, với những quy ước về: Lắng nghe, Trình bày, Sử dụng tiếng Anh, Giơ tay, Thân thiện và An toàn (trong các lớp khoa học và thể thao). Quy ước này được thực hiện không chỉ giữa giáo viên với giáo viên mà còn học sinh với học sinh, điều này hình thành nên phản xạ ngôn ngữ, giúp tăng cường năng lực tiếng Anh của học sinh.
Các môn học của Khối Việt Nam diễn ra tại các phòng học chuyên biệt và phòng thí nghiệm cho từng môn. Các phòng học chuyên biệt giúp giảm thiểu thời gian sắp đặt các dụng cụ học tập và thiết kế không gian học. Ví dụ trong tiết sinh học, thay vì đợi giáo viên di chuyển học liệu và học cụ chuyên môn qua lớp, học sinh sẽ di chuyển đến phòng học, nơi có một không gian học tập phục vụ chuyên biệt cho môn sinh học bao gồm những mô hình, tranh minh họa và tài liệu chuyên môn. Qua đó, giáo viên có thể tối ưu thời gian và sự tập trung để truyền tải chương trình học và quan tâm học sinh.
Việc di chuyển giữa các lớp học sau mỗi tiết học là hình ảnh quen thuộc tại EMASI. Sắp xếp này cũng là những bước đi tiên phong của môi trường học hiện đại: một môi trường học năng động, luôn có sự cải thiện một cách khoa học và hướng tới kết quả tối ưu.
Chia sẻ: